Tại Asian Para Games 2014, Võ Thanh Tùng giành năm tấm HC vàng ở các cự ly 50m tự do, 100m tự do, 200m tự do, 50m bướm, 50m ngửa, 200m hỗn hợp cá nhân. Với thành tích vô tiền khoáng hậu cùng việc phá hai kỷ lục, anh được hứa thưởng gần một tỷ đồng từ Tổng cục Thể dục Thể thao, các đơn vị địa phương cùng nhà tài trợ đồng hành với Đại hội khuyết tật người châu Á. Trong những phút mơ mộng, anh đã nghĩ về cách tiêu khoản tiền này. Nào là trích một phần gửi cho gia đình cũng đang khó khăn ở quê, một phần dùng cho nhu cầu cá nhân, một khoản tái đầu tư để phục vụ tập luyện nhằm chinh phục những mục tiêu cao hơn...
Tuy nhiên, cho đến nay "vận động viên khuyết tật giàu nhất" Việt Nam - như ví von của HLV Đổng Quốc Cường - mới nhận được vỏn vẹn 100 triệu đồng tiền thưởng nóng trên đất Hàn Quốc. Con số ấy đưa anh về với thực tế khó khăn là chưa đủ khả năng thanh toán cho căn nhà định mua ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. ''Trước ngày lên đường sang Hàn Quốc dự giải, một chị hàng xóm chuyển nhà nên có ý định sang nhượng lại cho tôi căn nhà cũ",Thanh Tùng chia sẻ với VnExpress. "Căn nhà rộng rãi, khoảng 90 mét vuông lại tiện nghi và gần chỗ cũ nên tôi ưng lắm. Nghĩ đến chuyện có một căn nhà riêng để sau này có thể lo chuyện cưới vợ, sinh con phần nào giúp tôi phấn chấn, thi đấu thành công tại giải đấu vừa qua. Hiện tôi mới có 100 triệu tiền thưởng, cộng với 50 triệu đồng được thầy Đổng Quốc Cường cho vay để đặt cọc cho bên bán. Chị ấy cũng quý tôi nên cho chậm lại, bảo sau này nhận thêm tiền thưởng đưa sau cũng được".
Được lời như cởi tấm lòng, vận động viên quê An Giang quyết định dọn đến chỗ mới rồi chọn ngày sửa sang. Dù gánh nặng tiền bạc còn nhiều, anh vẫn tỏ ra lạc quan - một tố chất đã đưa chàng trai có nụ cười hiền này vươn lên từ một cậu bé khuyết tật.
Cơ thể không lành lặn của Thanh Tùng.
Sinh ra hoàn toàn lành lặn nhưng dịch sốt bại liệt năm bốn tuổi đã cướp đi cơ hội làm người bình thường của Võ Thanh Tùng. Thời ấy chưa có thuốc phòng bại liệt, gia cảnh cũng khó khăn nên anh đón nhận những tai họa ấy một cách bình thản. Gia đình vốn ở trên thuyền theo nghề sông nước nên Thanh Tùng chủ yếu dùng đôi tay di chuyển, bơi trên sông bắt cá cùng gia đình. Mãi đến lúc vào tuổi học, VĐV sinh năm 1985 mới cảm nhận được sự thiệt thòi ghê gớm khi hàng ngày phải dùng đôi nạng đến trường, trong lúc bạn bè chạy nhảy nô đùa.
"Tôi đến với bơi lội cũng bởi quanh năm suốt tháng đắm mình trong dòng sông Cửu Long để mưu sinh cùng gia đình. Lớn lên một chút, gia đình chuyển nghề làm lò rèn, tôi nửa buổi phụ việc, thời gian còn lại đi học. Tốt nghiệp lớp 12, tôi lên Cần Thơ học Cao đẳng kỹ thuật TP Cần Thơ,theo lời khuyên của người anh rể. Tôi cũng xác định dù làm người khuyết tật cũng phải tự lập, tự kiếm sống để nuôi mình chứ không trông chờ người khác được",Thanh Tùng nhớ lại.
Võ Thanh Tùng là hy vọng của bơi lội khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Games 2016 tại Rio (Brazil). Ảnh: NVCC.
Trong đợt tuyển quân chuẩn bị Đại hội thể thao khuyết tật toàn quốc 2005, HLV Bùi Thanh Tâm đã để ý đến Võ Thanh Tùng. Sau khi mời"rái cá" quê An Giang xuống nước thi thử, ông lập tức điền tên anh vào đội tuyển bơi khuyết tật của Cần Thơ.
Không phụ sự kỳ vọng của HLV Thanh Tâm, Võ Thanh Tùng thống trị làng bơi quốc gia hạng thương tật S5 liên tục trong bốn năm từ 2005 đến 2009. Nhưng phải đến khi gặp HLV Đổng Quốc Cường rồi được đưa về TPHCM thi đấu, Thanh Tùng mới nếm trải hương vị chiến thắng ở đấu trường quốc tế.Tại ASEAN Para Games 2009 ở Malaysia, anh đã mang về hai tấm HC vàng, một tấm HC bạc.
Những chiến công liên tiếp đến với chàng kỹ sư điện tử yêu bơi lội này. Trong bộ sưu tập của anh hiện có một tấm HC vàng, một tấm HC bạc Asian Para Games 2010, một tấm HC vàng, hai tấm HC bạc tại ASEAN Para Games 2011, ba tấm HC vàng ASEAN Para Games 2014... Và ở Asian Para Games 2014vừa qua kỳ tích năm HC vàng và hai kỷ lục của giải đã đưa tên tuổi Võ Thanh Tùng đến vị trí trang trọng trong làng khuyết tật Việt Nam nói riêng và khuyết tật châu lục nói chung.
PV. Nguyễn Kiên